Một bản CV chuyên nghiệp hút nhà tuyển dụng ngay từ cái nhìn đầu tiên cấu thành từ nhiều yếu tố. Bên cạnh kinh nghiệm dày dặn, học vấn, trình độ văn hóa phù hợp và kỹ năng nổi bật, xây dựng mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng chính là chìa khóa giúp ứng viên mở rộng cánh cửa sự nghiệp của mình. Vậy mục tiêu nghề nghiệp trong CV là gì? Có vai trò gì và làm như thế nào để xây dựng một mục tiêu nghề nghiệp hoàn hảo? Chúng ta hãy cùng với Timviec6s.vn giải mã những câu hỏi trên ngay trong bài viết sau đây nhé.
Hiểu một cách đơn giản, mục tiêu nghề nghiệp hay Career Objective là những kế hoạch, định hướng, thành tựu mà ứng viên mong muốn và nỗ lực đạt được nếu được nhà tuyển dụng trao cơ hội làm việc tại doanh nghiệp. Trong CV mục tiêu nghề nghiệp có thể là một vị trí công việc cụ thể mà ứng viên nỗ lực theo đuổi, cũng có thể là mức lương tốt hơn, mức phúc lợi tốt hơn, cấp bậc cao hơn để tạo ra những giá trị và cống hiến cho công ty nhiều hơn. Thông qua một mục tiêu, dự định cụ thể, ứng viên sẽ đi vạch ra những đường đi nước bước để từ từ thực hiện mục tiêu đó. Trong cuộc sống, để thúc đẩy mỗi người vươn lên và giành được thành tựu mới, không thể thiếu mục tiêu.
Là tấm gương khúc xạ phản ánh đến nhà tuyển dụng những phẩm chất, năng lực kế hoạch của ứng viên, không thể không nói đến vai trò quan trọng của mục tiêu nghề nghiệp. Thông qua nội dung mục tiêu nghề nghiệp được trình bày một cách chỉn chu, nhà tuyển dụng nhìn ra được những phẩm chất của ứng viên tích cực và phù hợp với doanh nghiệp. Mục tiêu nghề nghiệp trả lời hộ nhà tuyển dụng rằng ứng viên có phải là người có kế hoạch hay không, ứng viên có phải là người chỉn chu cẩn thận, có chí tiến thủ hay không, đặc biệt giúp họ xác định rằng ứng viên đó có thực sự phù hợp với định hướng phát triển văn hóa doanh nghiệp của tổ chức hay không.
Để trở thành người đồng hành cùng sự phát triển cùng doanh nghiệp, hội tụ ở ứng viên bắt buộc phải bao gồm các yếu tố từ kỹ năng, năng lực thực tiễn, học vấn và cả những phẩm chất. Mục tiêu nghề nghiệp trong CV giúp nhà tuyển dụng nắm được những phẩm chất này. Bên cạnh độ phù hợp, mục tiêu nghề nghiệp tốt cũng giúp những người cầm cân nảy mực dự đoán được tiềm năng của ứng viên và sự phát triển của ứng viên đó theo thời gian. Một ứng viên mới ra trường không có kinh nghiệm nhưng có đầy đủ những phẩm chất tốt, chí tiến thủ, mục tiêu rõ ràng sẽ được đánh giá cao hơn rất nhiều so với một ứng viên có kinh nghiệm 2 năm nhưng không có định hướng rõ ràng để phát triển sự nghiệp và mang lại cho công ty một giá trị cụ thể. Vậy thế nào là một mục tiêu nghề nghiệp tốt và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng? Chúng ta hãy theo dõi nội dung ngay sau đây nhé.
Trước khi bắt tay vào viết mục tiêu nghề nghiệp ghi điểm, bạn cần xác định được thế nào một mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng. Trên thực tế, khó có một tiêu chuẩn cho mục tiêu nghề nghiệp, bởi lẽ, quan điểm của các nhà tuyển dụng là khác nhau, có đến cả nghìn vị trí trong đó lại yêu cầu mục tiêu nghề nghiệp phù hợp riêng biệt. Tuy nhiên, trước khi đặt bút viết, bạn cần đặt mình vào vai trò của người cầm cân nảy mực để xác định nên và không nên viết gì. Theo các chuyên gia của timviec6s, một mục tiêu nghề nghiệp tốt là đảm bảo được các thành tố: Ngắn gọn, cụ thể, thực tế.
Đầu tiên là sự ngắn gọn. Chúng ta đều biết rằng, CV là tài liệu cô đọng, tóm lược mà ứng viên gửi đến nhà tuyển dụng với dung lượng khuyến nghị tốt nhất là khoảng 1-2 trang giấy.
Là một thành phần mở màn của tài liệu này, dung lượng lý tưởng của mục tiêu nghề nghiệp cho ứng viên chỉ nên giới hạn ở 3-4 dòng. Một mục tiêu quá dài sẽ làm nhà tuyển dụng bị “ngán” và cho rằng bạn đang “chém gió” vô nghĩa, tệ hơn là làm lu mờ nội dung của các trường còn lại như kỹ năng, học vấn hay kinh nghiệm làm việc.
Sự cụ thể trong tiêu chí của bản mục tiêu nghề nghiệp nằm ở chỗ ứng viên vạch ra được những định hướng, kế hoạch rõ ràng và thường bị ràng buộc bởi các thông số về mặt thời gian hay vị trí, cấp bậc nhất định thay vì sự sáo rỗng của ngôn ngữ. Ví dụ, khi trở thành nhân viên của công ty bạn sẽ hoàn thành KPI được giao, tích cực phối hợp với đồng nghiệp để nâng cao tri thức, kỹ năng để thành content writer chuyên nghiệp ngay sau thời gian thực tập chẳng hạn.
Một thành tố mà các nhà tuyển dụng cũng rất quan tâm khi “thẩm” mục tiêu nghề nghiệp trong CV chính là tính thực tế. Mặc dù, doanh nghiệp nào cũng mong muốn nhân viên của mình có mục tiêu tích cực, những phẩm chất tốt tạo ra những giá trị. Tuy nhiên, không phải vì điều này mà ứng viên vẽ ra những điều ý đẹp chỉ có trong tưởng tượng. Bạn không thể đề cập những dự kiến vượt quá khả năng của bản thân hay không có cơ sở để thực hiện tránh trường hợp khi làm việc cả hai bên cùng “vỡ mộng” hoặc tạo ra một cảm giác khó tin từ phía nhà tuyển dụng.
-Xác định những dự định ngắn hạn và dài hạn của bản thân
Mục tiêu nghề nghiệp ngắn gọn, cụ thể, súc tích và thực tế sẽ được bắt nguồn từ việc ứng viên đề xuất những dự định, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn khi trở thành tân binh của doanh nghiệp. Trong đó, kế hoạch ngắn hạn được xác định từ thời điểm bạn vào công ty, làm quen với công việc, thực hiện công việc trong vòng 01 năm trở lại với một số dự kiến cụ thể Hoàn thành kỳ thực tập với kết quả đánh giá tốt, hoàn thành khóa học và làm việc trực tiếp với khách nước ngoài sau 06 tháng, đưa website của công ty lên tốp 3 bảng xếp hạng google,..sau 3 tháng, thu hút hơn 1000 khách hàng thường xuyên,...
Xác định mục tiêu ngắn hạn được xem là bước quan trọng đầu tiên để bạn thuyết phục nhà tuyển dụng, đồng thời là cơ sở giúp bạn chứng minh tính khả thi của các mục tiêu dài hạn mà bạn sắp sửa đề cập.
Mục tiêu dài hạn được hiểu là các chiến lược dài hơi phản ánh được quá trình nỗ lực của bản thân để tạo ra những giá trị thực sự với doanh nghiệp được phản ánh qua những thành quả nổi bật, vị trí hay cấp bậc cao hơn được tính từ thời điểm ứng viên hoàn thành xong mục tiêu ngắn hạn đến chặng đường tiếp theo. Thường, mục tiêu dài hạn được đề cập trong khoảng thời gian 3-5 năm khi đồng hành cùng doanh nghiệp, hoặc mục tiêu 05 đến 10 năm.
Một số mục tiêu nghề nghiệp dài hạn ấn tượng có thể kể đến như: Phấn đấu trở thành trưởng bộ phận và gắn bó lâu dài với sự phát triển của công ty, hoàn thành kỳ thực tập với kết quả tốt và trở thành nhân viên chuyên nghiệp đảm nhiệm các dự án dài hơi của doanh nghiệp,...
- Liên kết với phẩm chất kỹ năng phục vụ trực tiếp cho công việc đang ứng viên
Mục tiêu nghề nghiệp trong CV phản ánh những dự định, kế hoạch trong tương lai, song bạn cần chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được tính thực tế của bạn thông qua những bằng chứng thực tế. Bằng chứng này chính là các phẩm chất, kỹ năng, kinh nghiệm, học vấn bạn đã tích lũy. Ví dụ, bạn đề ra mục tiêu nghề nghiệp là trở thành trưởng phòng marketing trong vòng 2 năm tới, thì ít nhất, bạn cần đề cập đến bệ đỡ về kinh nghiệm, học vấn, kỹ năng vững vàng đã có kết hợp với quá trình rèn luyện nghiêm túc tại doanh nghiệp. Việc liên kết những dự định, kế hoạch với phẩm chất, kỹ năng, kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sức hút cho mục tiêu nghề nghiệp của bạn.
- Đề cập đến những giá trị nổi bật mang lại cho doanh nghiệp
Bạn cần hiểu được rằng, trong mắt nhà tuyển dụng, việc trở thành một nhân viên chuyên nghiệp và phục vụ cho sự phát triển của công ty quan trọng hơn rất nhiều so với việc bạn tích lũy được kinh nghiệm nhưng chỉ “làm đẹp” cho hồ sơ cá nhân. Vì vậy, trong mục tiêu nghề nghiệp của bạn cần thể hiện được những giá trị mà bạn có thể mang lại cho doanh nghiệp ví dụ: Nâng cao doanh số lên 25% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp cận được 1000 khách hàng mới, tìm thêm 100 đối tác mở chi nhánh nhượng quyền,...Điều này sẽ thu hút hơn nhiều so với việc bạn đề cập đến những dự kiến chung chung làm quen với môi trường mới, chủ động phối hợp với đồng nghiệp, tích cực rèn luyện kỹ năng, trau dồi kinh nghiệm. Dĩ nhiên, những giá trị có thể tạo cho doanh nghiệp cần phải nổi bật. Sự nổi bật đó được phản ánh qua các con số, sự cụ thể từ cách trình bày dữ kiện và mối tương quan đến từ vị trí công việc bạn đang ứng tuyển thông qua hệ thống từ khóa chuyên ngành. Ví dụ nhắc đến vị trí SEO Leader, bạn sẽ nghĩ ngay đến các công cụ: Google search, lượt traffic, Google ads, backlink, Internal link. Nhắc đến vị trí kinh doanh bạn cần đề cập đến doanh số, % lợi nhuận, tỷ lệ chốt đơn,...
Ngay sau đây, hãy theo chân timviec6s chinh phục các vị trí việc làm ấn tượng nhất với mẫu mục tiêu nghề nghiệp thu hút ngay dưới đây.
- Mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên mới ra trường
Điểm xuất phát là những tân binh non trẻ kinh nghiệm, kỹ năng, mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng giúp ứng viên mới ra trường thuyết phục nhà tuyển dụng bằng việc đề cập đến những phẩm chất, giá trị tiềm năng phục vụ công việc, sự nghiêm túc, sự không ngừng học hỏi, chí tiến thủ và quyết tâm đạt được những mục tiêu mới. Bạn có thể viết mục tiêu nghề nghiệp cho vị trí này như sau:
- “Tốt nghiệp loại giỏi ngành tài chính doanh nghiệp tại Học viện tài Chính, tôi mong muốn được áp dụng kỹ năng, kiến thức đã trau dồi của mình ở vị trí Phân tích tài chính của quý doanh nghiệp.Trước hết là hoàn thành các nhiệm vụ tốt các nhiệm được giao và không ngừng nỗ lực bản thân để trở thành một chuyên gia tư vấn tài chính có kiến thức sâu về các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng để thu hút và kiến tạo thêm nguồn khách hàng mới cho doanh nghiệp”.
“Với kiến thức và kỹ năng đã tích lũy tại trường ở chuyên ngành quản trị truyền thông tại Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi tự tin hoàn thành các nhiệm vụ của một nhân viên marketing tại doanh nghiệp sau 02 tháng thử việc, đồng thời tích cực trau dồi kinh nghiệm, phối hợp tốt với các thành viên trong phòng để hoàn thành kế hoạch marketing đề ra”.
-Mục tiêu nghề nghiệp ở vị trí chuyên viên kinh doanh
Ấn tượng về vị trí kinh doanh là những người nghĩ lớn, nỗ lực cao và hết mình bám đuổi doanh số, mục tiêu nghề nghiệp sẽ trở nên cực kỳ thu hút khi bạn biết thể hiện những điều này vào dự kiến công việc trong tương lai. Bạn có thể tham khảo các mục tiêu sau đây:
“ Với kinh nghiệm 2 năm trong lĩnh vực bán hàng thời trang kết hợp với kỹ năng giao tiếp và thuyết phục khách hàng tốt, tôi tự tin hoàn thành xuất sắc mục tiêu khai thác khách hàng cho công ty ngay từ tháng đầu tiên nhận việc. Cùng với đó, sẽ nỗ lực hết mình để tăng tỉ lệ chuyển đổi khách hàng lên 25% trong 02 tháng tiếp theo và thu hút nhiều hơn số lượng khách hàng mới”.
“Kinh nghiệm 3 năm làm việc trực tiếp với các đối tác nước ngoài, giao tiếp tiếng Anh thành thạo ở lĩnh vực du lịch và 01 năm kinh nghiệm dẫn dắt đội nhóm 05 người hoàn thành nhiệm vụ bán hàng được giao, tôi tin rằng mình hoàn toàn đủ khả năng cho vị trí sale tour leader mà công ty đang tuyển dụng. Cùng với việc bồi dưỡng kỹ năng, đôn thúc tinh thần làm việc của nhân viên, tôi sẽ nâng cao nghiệp vụ và phối hợp với các phòng ban nâng cao doanh số ít nhất là 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái của công ty”.
-Mục tiêu nghề nghiệp SEO
“Thành thạo các công cụ AHREF, phân tích từ khóa, kỹ năng backlink và xây dựng các nội dung hữu ích dựa trên các tiêu chuẩn của google, tôi tự tin hoàn thành tốt các nhiệm vụ của vị trí chuyên viên SEO, nâng cao thứ hạng từ khóa và tối ưu website của doanh nghiệp lên trang đầu tiên trong bảng xếp hạng google sau 02 tháng đảm nhiệm công việc”.
“Luôn muốn trở thành chuyên viên SEO giỏi, tôi luôn nỗ lực để cải thiện chuyên môn SEO của bản thân, nâng cao tỷ lệ tối ưu hóa nội dung để mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Trở thành nhân viên của công ty, tôi sẽ áp dụng tất cả kỹ năng của bản thân để tăng tỷ lệ tương tác với khách hàng và đưa những từ khóa quan trọng của dự án lên top Google. Mục tiêu của tôi là trở thành trưởng nhóm SEO trong vòng 02 năm tới và tạo ra những giá trị marketing lâu dài cho quý doanh nghiệp.
-Mục tiêu nghề nghiệp ngành IT
Tốt nghiệp bằng giỏi ngành công nghệ thông tin tài năng của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, kết hợp với các kiến thức, kỹ năng về kiểm thử phần mềm, tư duy tốt, hiểu biết về công nghệ code mới: Flutter, Python, tôi mong muốn trở thành kỹ sư phần mềm để cống hiến và tạo ra những sản phẩm hữu ích đến tay người tiêu dùng”.
“Kinh nghiệm 02 năm lập trình PHP Freelancer, với 10 website đã đi vào hoạt động chính thức, tôi mong muốn ứng tuyển vào vị trí chuyên viên lập trình PHP của HH Company để phát triển năng lực, tạo ra những sản phẩm code hữu ích cho người dùng, fix sạch các lỗi tồn đọng trên các website cũ, phấn đấu trở thành leader nhóm PHP trong vòng 01 năm tới”.
Chắc chắn rằng với những gợi ý về cách viết mục tiêu nghề nghiệp cũng như các vị dụ minh họa sinh động cho mục tiêu nghề nghiệp trong CV ở các vị trí nổi bật mà timviec6s đề cập, bạn đã nắm rõ cách xây dựng mục tiêu nghề nghiệp ăn điểm cho mình. Hãy bắt tay vào viết ngay mục tiêu nghề nghiệp để chinh phục vị trí công việc như ý nhé.
Đăng nhập
Đăng nhập nhà tuyển dụng
Đăng nhập ngay để trải nghiệm dịch vụ hỗ trợ tuyển dụng
Tài khoản
Mật khẩu
Đăng nhập
Đăng nhập ứng viên
Đăng nhập Timviec6s, cơ hội việc làm rộng mở, ứng tuyển nhanh
Tài khoản
Mật khẩu